Cảm biến bàng quang thông minh trong chăm sóc sức khỏe

Cảm biến bàng quang thông minh trong chăm sóc sức khỏe

Đăng ngày 11/04/2024
Cảm biến bàng quang thông minh đại diện cho sự đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Với tiềm năng ứng dụng rộng lớn và mục tiêu tầm nhìn xa, đây có thể là bước đột phá quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc phải các vấn đề về bàng quang.
Có nhiều lý do khác nhau khiến một số người không thể cảm nhận được cảm giác bàng quang đầy do họ có thể bị chấn thương tủy sống, bị bệnh nứt đốt sống hoặc bệnh bàng quang. Mặc dù những người đó thường đeo ống thông tiểu, tuy nhiên nó gây khó chịu và thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Từ những nhược điểm này và các hạn chế khác, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Northwestern đã bắt đầu phát triển và thiết kế một giải pháp thay thế để hỗ trợ cho bệnh nhân. Họ đã tạo ra được một cảm biến đo có thể kéo dãn, mềm, mỏng và gắn được vào bên ngoài bàng quang thông qua phẫu thuật. Trên thực tế, tất cả chúng đều được nối dây cứng với một "trạm gốc" nhỏ duy nhất được cấy ghép có chứa pin, mô-đun Bluetooth và các thiết bị điện tử khác.
 

 

Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu và giãn ra, các cảm biến sẽ kéo dài theo nó (nhưng không ảnh hưởng đến chức năng của nó). Điều này khiến mỗi thiết bị sẽ tạo ra một tín hiệu dãn căng và các tín hiệu này được chuyển tiếp đến trạm gốc. Trạm truyền dữ liệu này sẽ chuyển đến một ứng dụng trên điện thoại thông minh của bệnh nhân, cho phép họ theo dõi mức đầy của bàng quang và thông tin này cũng có thể cho phép bác sĩ của họ truy cập từ xa.

Trong các thử nghiệm được thực hiện trên các loài linh trưởng (không phải con người), công nghệ này đã cung cấp thành công các kết quả đo trong thời gian tám tuần. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu một phương pháp kích thích bàng quang để kích thích đi tiểu theo yêu cầu. Bằng cách đó, khi bệnh nhân nhận được cảnh báo bàng quang đầy, họ có thể đi tiểu bình thường. Giáo sư Guillermo A. Ameer, cùng với các giáo sư John A. Rogers và Arun Sharma, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Công trình này là công trình đầu tiên được mở rộng quy mô để sử dụng cho con người. Chúng tôi đã chứng minh được chức năng tiềm năng lâu dài của công nghệ. Tùy vào trường hợp sử dụng, chúng tôi có thể thiết kế công nghệ này để tồn tại lâu dài bên trong cơ thể hoặc phân hủy một cách vô hại sau khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn”.

Các nhà nghiên cứu cũng đang phát triển một miếng dán bàng quang tổng hợp có khả năng phân hủy sinh học được cấy ghép tế bào gốc của chính bệnh nhân. Ý tưởng là khi miếng dán được cấy vào bàng quang bị rối loạn chức năng của bệnh nhân, các tế bào bàng quang lân cận sẽ di chuyển vào đó, cuối cùng biến nó thành mô bàng quang mới khỏe mạnh.