Giải Nobel Y học 2020 được trao cho công trình nghiên cứu phát hiện ra virus viêm gan C

Giải Nobel Y học 2020 được trao cho công trình nghiên cứu phát hiện ra virus viêm gan C

Đăng ngày 09/10/2020
Giải Nobel đầu tiên của mùa giải Nobel 2020 được trao cho 3 nhà khoa học trong lĩnh vực y học, nhà virus học và bác sĩ người Mỹ Harvey J. Alter, nhà khoa học người Anh Michael Houghton và nhà virus học người Mỹ Charles M. Rice.

Giải Nobel đầu tiên của mùa giải Nobel 2020 được trao cho 3 nhà khoa học trong lĩnh vực y học, nhà virus học và bác sĩ người Mỹ Harvey J. Alter, nhà khoa học người Anh Michael Houghton và nhà virus học người Mỹ Charles M. Rice.

 

 

Phát hiện viêm gan C ra sao?

Trước khi virus viêm gan C được phát hiện, các nhà khoa học đã biết đến virus viêm gan A và B. Tuy nhiên, tác nhân gây ra phần lớn những ca viêm gan mãn tính lây qua đường máu lúc bấy giờ vẫn là một ẩn số. 

Những nghiên cứu của Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice đã giúp phát hiện chủng virus Hepatitis C, là virus gây bệnh viêm gan mãn tính lây qua đường máu phổ biến nhất trên thế giới.

Bằng việc xác định virus viêm gan C là tác nhân thực sự gây bệnh viêm gan mãn tính, các nhà khoa học đã có cơ sở để tìm ra các phương pháp chẩn đoán chính xác cũng như các phương thức điều trị hiệu quả và cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới.

Viêm gan là tình trạng viêm mãn tính ở gan gây ra chủ yếu bởi virus. Vào năm 1940, có hai nhóm bệnh viêm gan được xác định. Viêm gan A chủ yếu lây qua đường ăn uống và thường không để lại hậu quả lâu dài cho bệnh nhân. Trong khi đó, loại thứ hai (viêm gan B) lây qua đường máu và dịch cơ thể, gây ra những hậu quả lâu dài và nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.

Chứng bệnh này có thể tồn tại nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết, cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện. Chứng viêm gan qua đường máu này gây ra hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, khiến nó có mức ảnh hưởng như bệnh lao hay HIV/AIDS.

Bước tiến quan trọng đầu tiên diễn ra vào những năm 1960, khi Baruch Blumberg (Nobel y sinh 1976) đã tìm ra virus gây bệnh viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc bệnh viêm gan mãn tính mà không tìm được nguyên nhân cụ thể.

Harvey J. Alter, tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, lúc ấy đang nghiên cứu các bệnh nhân bị bệnh viêm gan sau khi được truyền máu. Ông nhận ra rằng máu của những bệnh nhân này có thể truyền bệnh viêm gan cho tinh tinh. 

Những nghiên cứu sau này của ông và đồng nghiệp đã chứng minh rằng tác nhân gây ra bệnh viêm gan này không phải do virus viêm gan A hay B, hai loại virus đã được tìm thấy lúc bấy giờ. Điều này chứng minh rằng có một loại mầm bệnh chưa được biết đến gây ra bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu.

Đột phá tiếp theo được Michael Houghton tạo ra, khi ông tìm thấy cách phân lập được loại virus bí ẩn này. Ông và đồng nghiệp xác định được vật chất di truyền đặc hiệu của loại virus trong máu của những người nhiễm bệnh. Những nghiên cứu sau đó cũng xác định được kháng thể đặc hiệu với loại virus này trong những bệnh nhân viêm gan mãn tính. Virus này lúc ấy được đặt tên là virus viêm gan C.

Giúp chữa dứt điểm

Dựa trên phát hiện của Harvey Alter và Michael Houghton, Charles M. Rice và đồng sự tại Trường đại học Washington St. Louis đã nghiên cứu cách virus viêm gan C sinh sản và chứng minh được loại virus này chính là tác nhân gây ra bệnh viêm gan siêu vi C lây truyền qua đường máu.

Việc xác định được virus viêm gan C là một bước ngoặt đối với công cuộc chống lại bệnh viêm gan nói riêng và các bệnh gây ra bởi virus nói chung.

Từ những đóng góp của Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice, y học đã tìm được cách phát hiện virus viêm gan C trong mẫu máu và ngăn ngừa lây truyền bệnh thông qua con đường truyền máu.

Phát hiện của ba nhà khoa học này cũng định hướng cho việc tạo ra các phương pháp trị bệnh đặc hiệu nhắm đến virus và chữa dứt điểm được bệnh viêm gan siêu vi C.

Dẫu rằng vẫn cần phải giải hai bài toán khó còn lại là làm sao để xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan C và thuốc chống virus viêm gan C trở nên phổ biến, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nhưng con người đang đứng trước cơ hội có thể loại bỏ hoàn toàn bệnh viêm gan siêu vi C.

Ba nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice sẽ chia đều số tiền thưởng hơn 1 triệu USD dành cho giải Nobel y sinh hằng năm.

Nguồn: VISTA